Kết quả đề tài: |
1. Về địa chất, khu vực Đakrông - Hướng Hóa có các thành tạo địa chất khá phong phú và đa dạng, gồm nhiều thành hệ tầng trầm tích, trầm tích - biến chất, có tuổi từ Cambri (Hệ tầng A Vương (Є2 – O1av – khoảng 540 triệu năm về trước) cho đến tuổi Đệ tứ (Phun trào bazan Pliocen – Pleistocen hạ (N2 – Q1). Cùng với 7 phức hệ magma xâm nhập có tuổi từ Paleozoi đến Kainozoi, thuộc 4 chu kỳ magma - kiến tạo.
2. Về kiến tạo, trên phạm vi khu vực nghiên cứu phân bố các hệ thống đứt gãy kiến tạo khu vực lớn như: Đakrông - Huế (f1), Hướng Hóa - A Lưới (f2), Sông Cam Lộ (f3), sông Quảng Trị (f4), Mò Ó - Tân Lập (f5), Tà Long - A Vao (f6),... Trong đó, ba đới đứt gãy: Sông Cam Lộ, Đakrông – Huế và Hướng Hóa – A Lưới - những đứt gãy sinh kèm của đới đứt gãy lớn Rào Quán – A Lưới – Sơn Tây – Quy Nhơn là các đứt gãy có biểu hiện hoạt động mạnh trong Tân Kiến tạo và kiến tạo hiện đại.
3. Về tân kiến tạo - địa động lực hiện đại, khu vực Đakrông - Hướng Hóa nằm ở phần phía tây nam của khối Bắc Trung Bộ nên chúng cũng chịu ảnh hưởng của hoạt động địa động lực hiện đại của khối này. Chuyển động tân kiến tạo trên khu vực Hướng Hóa - A Lưới, đặc biệt là hoạt động của các đứt gãy tích cực diễn ra mạnh mẽ ở phía bắc khu vực Hướng Hóa (biểu hiện của hoạt động phun trào bazan), điều này đã khẳng định những hoạt động của các đứt gãy Hướng Hóa - A Lưới và Đakrông - Huế trong pha kiến tạo muộn là rất mạnh mẽ.
4. Khu vực miền Trung nói chung và Hướng Hóa-Đakrông nói riêng đã và đang tiếp tục xảy ra động đất. Nguồn phát sinh động đất ở khu vực này có thể gồm:
- Vùng nguồn phát sinh động đất dọc theo đứt gãy sông Cam Lộ nằm sát phía bắc của huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông có chiều rộng khoáng 12 km. Động đất cực đại có nguy cơ xảy ra trong vùng nguồn này có độ lớn thay đổi từ 4,9 đến 5,3 độ Richter, phụ thuộc vào từng đứt đoạn của vùng nguồn, song giá trị lớn nhất không vượt quá 5,3 độ Richter (Mmax= 5,3).
- Vùng nguồn phát sinh động đất dọc theo đứt gãy Đakrông – Huế có phương phát triển Tây Bắc – Đông Nam, chạy qua khu vực trung tâm của khu vực Hướng Hóa - Đakrông. Động đất lớn nhất có nguy cơ xảy ra tại vùng nguồn này không vượt quá 5,5 về cấp độ mạnh. Trong từng phân đoạn của vùng nguồn giá trị Mmax có thể thay đổi, từ 5,1 đến 5,5. Bề rộng của vùng nguồn này cỡ 12 km.
- Vùng nguồn phát sinh động đất dọc theo đứt gãy Hướng Hóa – A Lưới chạy qua khu vực phía Nam của huyện Hướng Hóa, giá trị động đất cực đại nằm trong giới hạn độ lớn từ 4,9 đến 5,4, không vượt quá 5,4 (Mmax=5,4). Vùng nguồn này có bề rộng 12 km.
- Nguồn phát sinh động đất kích thích không có vì các công trình Thủy lợi - Thủy điện trong khu vực Hướng Hóa-Đakrông thuộc loại nhỏ (hồ chứa Rào Quán lớn nhất mới chỉ có cột nước cao 75m, dung tích 163 triệu m3, diện tích mặt hồ 8,64 km2) sẽ không gây phát sinh động đất và trong tương lai gần trên lãnh thổ nghiên cứu vẫn chưa có khả năng xây dựng các hệ thống bậc thang hồ - đập thủy điện – thủy lợi lớn hơn.
5. Các công trình giao thông và các hồ đập thủy điện trên địa bàn nghiên cứu đã được thiết kế ứng với chấn cấp 5-5.5 độ Richter, do vậy, động đất ≤ 5 độ Richter sẽ không gây bất ổn cho công trình và với thực tế động đất yếu và rất yếu đã từng xảy ra ở đây lại càng không thể gây ảnh hưởng cho các công trình xây dựng ở trong khu vực. Riêng một số điểm trọng yếu trên trục đường giao thông Mò Ó đi Ba Lòng và Đakrông đi Tàrụt có thể phải chịu tác động mạnh của động đất, đặc biệt động đất xẩy ra trong mùa mưa lũ và như vậy có thể sẽ gây ách tắc giao thông, cô lập một số địa phương của huyện.
7. Vùng miền núi Hướng Hóa-Đakrông do mật độ dân cư thấp (gần 30 người/km2), phân bố dọc các tuyến đường giao thông, ven theo sông suối và ở các thị trấn, thị tứ tương đối rộng và bằng phẳng nên động đất với chấn cấp Ms ≤ 5 độ Richter sẽ tác động không lớn, không gây sụp đổ nhà cửa cũng như hỏa hoạn và tổn thất nhân mạng, ngoại trừ nhân dân ở một số địa phương có thể sẽ bị cô lập trong mùa mưa lũ do sạt lở đường giao thông. |