Thông tin đề tài

Mã đề tài: 55/2003
Tên đề tài: Nghiên cứu tác dụng của châm cứu, xoa bóp và thuốc cổ truyền trong điều trị viêm quanh khớp vai
Cấp đề tài: Đề tài cấp Cơ sở
Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Y dược
Đơn vị thực hiện: Khoa Y học cổ truyền.
Loại hình đề tài: Ứng dụng
Lĩnh vực: Y học dân tộc; y học cổ truyền
Mục tiêu đề tài: 1. Đánh giá hiệu quả của châm cứu, xoa bóp và thuốc cổ truyền trong điều trị viêm quanh khớp vai. 2. Xây dựng phác đồ diều trị thích hợp cho bệnh lý này.
Nội dung đề tài: 2.1. Đối tượng: gồm 53 bệnh nhân tuổi từ 25 – 87 vào điều trị tại khoa y học cổ truyền Bệnh viện Trung ương Huế được chẩn đoán xác định viêm quanh khớp vai sau khi đã loại trừ nguyên nhân do lao, ung thư, tim mạch, hô hấp... Thời gian từ tháng 5/2002 đến tháng 3 /2004 2.2. Tiêu chuẩn chọn bệnh: 2.2.1. Viêm quanh khớp vai đơn thuần ( Kiên thống): [2 ]. - Lâm sàng: đau nhức vùng vai , thường đau một vai, có thể đau tại chỗ hoặc lan xa, đau tăng khi vận động. Hạn chế vận động chủ động, còn vận động thụ động vẫn bình thường. Không biểu hiện viêm, không teo cơ. - Cận lâm sàng: Xquang khớp vai bình thường. 2.2.2. Viêm quanh khớp vai thể nghẽn tắc ( Kiên ngưng): thường mắc đã lâu và là giai đoạn sau của bệnh. - Lâm sàng: đau rất ít hoặc không đau. Hạn chế vận động cả động tác thụ động và chủ động. - Cận lâm sàng: Xquang khớp vai bình thường hay tho ái hoá nhẹ [2 ]. 2.2.2. Hội chứng vai tay ( Hậu kiên phong): - Lâm sàng: Vai: đau và hạn chế vận động. Tay: bàn tay bầm tím phù nề, sưng, nóng, đỏ, đau và hạn chế vận động, thường bầm tím 1/3 trên dưới cẳng tay. - Cận lâm sàng: X quang cho thấy mất chất vôi rất nặng ở toàn bộ khớp xương cổ tay, bàn tay, ngón tay; bao khớp teo và co thắt [2 ]. 2.3. Phương pháp nghiên cứu Trên những bệnh nhân được chẩn đoán xác định viêm quanh khớp vai, chúng tôi tiến hành điều trị bằng y học cổ truyền bao gổm: châm cứu, xoa bóp và thuốc thang. 2.3.1. Châm cứu: - Công thức huyệt điều trị: Kiên tĩnh(X21),Kiên ngung(II15), Thiên tông( VI11), Kiên trinh(VI9), Tý nhu (II 14), Nhu du (VI 10), Khúc trì (II 11), Trung phủ (I 1), Hợp cốc (II 4) + Thể kiên thống, Kiên ngưng: Cứu, ôn châm , ôn điện châm các huyệt: Kiên ngung , Trung phủ, Nhu du Nếu đau lan lên trên vai châm thêm Kiên tĩnh, lan ra sau vai châm thêm Thiên tông, lan xuống cánh tay châm thêm Tý nhu. + Thể Hậu kiên phong: điện châm các huyệt như trên. Ngoài ra ở tay châm thêm các huyệt: Dương trì, Hợp cốc, Bát tà, Đại lăng, Nội quan và Ngoại quan [5], [6],[7]. - Dụng cụ sử dụng: + Kim châm: sử dụng kim châm loại 5cm, mỗI bệnh nhân có 1 bộ kim riêng được tiệt trùng theo quy định. + Máy điện châm: dùng máy điện châm KWD – 808 II của Trung quốc chế tạo. - Các bước tiến hành: + Tư thế bệnh nhân: Ngồi trên ngế tựa ( nếu bệnh nhân khoẻ) Nằm sấp ( nếu bệnh nhân yếu) + Tiến hành châm cứu: Xác định huyệt, sát trùng vùng châm bằng cồn 70º rồi tiến hành châm kim vào huyệt với độ sâu thích hợp cho đến khi đắc khí. Khi đắc khí bệnh nhân có các biểu hiện: Đỏ hay tái da ở huyệt châm. Cảm giác chướng tức nặng nơi châm. Hiện tượng mút kim ở những vùng cơ lớn. Tê dọc theo đường kinh lên trên hoặc xuống dưới. Sau đó tiến hành kích thích điện lên huyệt 20 phút với tần số 90 –95 lần phút, cường độ 3 –5 mA. Khi điện châm đạt đến ngưỡng kích thích (đắc khí) sẽ có các biểu hiện: Người bệnh có cảm giác rung giật dễ chịu hay căng tức chỗ kích thích. Kim được kích thích dao động đều đều. Thầy thuốc thấy cơ xung quanh huyệt được kích thích co nhịp nhàng vừa phải. Da vùng huyệt được kích thích đổi màu. Trong quá trình thao tác , theo dõi các tai biến như: vựng châm, chảy máu, gãy kim, nhiễm trùng hay tai biến do dòng điện như chóng mặt, khó chịu... tuy rằng chúng rất hiếm xảy ra. Liệu trình: bệnh nhân được châm tù 7 – 10 ngày / liệu trình. , nghỉ 1 tuần rồi châm tiếp đợt 2 nếu chưa khỏi bệnh.[5], [6],[7]. 2.3.2. Xoa bóp bấm huyệt: sau khi điện châm , tiến hành xoa bóp bấm huyệt với các thủ thuật như sau: - Day vùng vai: day từ chóp của cơ delta qua mỏm cùng vai, qua vùng xương bả vai, đến vùng Kiên tĩnh 3 lần. - Bóp 3 lần - Lăn vùng vai 3 lần - Tìm điểm đau và day điểm đau 3 lần - Ấn các huyệt Kiên tĩnh, Kiên trinh, Tý nhu, Kiên ngung, Thiên tông, Khúc trì, Hợp cốc. - Vận động khớp vai, khuỷu, cổ tay [3]. 2.3.3. Thuốc thang [6] Cùng với điện châm, xoa bóp, chúng tôi phối hợp thuốc thang để nâng cao hiệu quả điều trị. Tuỳ theo nguyên nhân mà chúng tôi sử dụng bài thuốc thích hợp: - Thể phong hàn: châm cứu là chủ yếu, dùng thuốc có tác dụng lưu thông khí huyết giảm đau. Khương hoạt 8g Bạch chỉ 8g Phòng phong 8g Sinh khương 4g Tang ký sinh 12g Quế chi 6g Đan sâm 10g Tế tân 4g Xuyên khung 8g Trần bì 6g Hương phụ 8g - Thể phong hàn thấp: d ùng bài thuốc Quyên tý thang có tác dụng phù chính khu tà. Khương hoạt 8g Hoàng kỳ 16g Phòng phong 8g Đương quy 12g Xích thược 12g Chích thảo 6g Khương hoàng 12g Đại táo 12g Sinh khương 6g - Thể phong thấp nhiệt: khu phong - trừ thấp – thanh nhiệt – hành khí hoạt huyết Phòng phong 10g Đẳng sâm 12g Khương hoạt 10g Bạch truật 12g Thổ phục linh 10g Bạch linh 12g Hy thiêm 10g Hoài sơn 12g Tang ký sinh 16g Ý dĩ nhân 16g Tỳ giải 12g Đan sâm 8g Kim ngân hoa 20g Xuyên khung 8g Trần bì 6g Sắc uống ngày 1 thang 2.3.4. Theo dõi và đánh giá kết quả - Lập phiếu theo dõi từng bệnh nhân - Theo dõi diễn tiến trong đợt điều trị bằng các dấu hiệu lâm sàng - Tiêu chuẩn đánh giá: + Tốt: Khỏi đau, vận động khớp vai bình thường + Khá: đỡ đau nhiều, vận động khớp vai còn hạn chế ít + Trung bình: đỡ đau ít, vận động khớp vai còn hạn chế nhiều + Kém : không đáp ứng với điều trị, còn đau nhiêù 2.4. Xử lý số liệu: theo phương pháp thống kê y học.
Kết quả đề tài: Qua 53 bệnh nhân viêm quanh khớp vai vào điều trị tại khoa Y học Cổ truyền Bệnh viện Trung ương Huế chúng tôi rút ra một số kết luận sau: 1. Kết quả điều trị tốt và khá chiếm tỷ lệ 90.57% trong dó loại tốt chiếm 69.81%, không có bệnh nhân nào có kết quả kém. Kết quả điều trị tốt cao ở bệnh nhân có thời gian từ khi khởi bệnh đến lúc nhập viện < 2tháng (35.85%). 2. Qua kết quả nghiên cứu, chúng tôi rút ra phác đồ điều trị Viêm quanh khớp vai bằng phương pháp phối hợp châm cứu, xoa bóp và thuốc cổ truyền : - Châm cứu : điện châm Kiên tĩnh(X21),Kiên ngung(II15), Thiên tông( VI11), Kiên trinh(VI9), Tý nhu (II 14), Nhu du (VI 10), Khúc trì (II 11), Trung phủ (I 1), Hợp cốc (II 4) - Xoa bóp: vùng vai và vận động khớp vai, khuỷu, cổ tay. - Thuốc cổ truyền: dùng bài thuốc tuỳ theo thể lâm sàng. Sắc uống ngày 1 thang.
Năm bắt đầu: 2003-01-01
Năm kết thúc: 2004-01-01
Xếp loại: Đạt
Tình trạng: Đã hoàn thành
Phân loại sản phẩm: Báo cáo phân tích
Địa chỉ ứng dụng: Các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc
Bài báo liên quan: 0
Kinh phí đề tài:
Người tham gia: Nguyễn Thị Tân (Chủ nhiệm)