Kết quả đề tài: |
(1) Đề tài đã nhận diện rõ các quan điểm về quyền lực và kiểu loại quyền lực trong diễn ngôn giáo viên và mối quan hệ giữa quyền lực với ngôn ngữ và thực tiễn xã hội trong các lớp học tiếng Anh bậc đại học.
(2) Khảo sát cho thấy giáo viên có nhận thức rõ ràng về quyền lực của mình thông qua diễn ngôn trong lớp học tiếng Anh bậc đại học và sẵn sàng chú tâm trau dồi năng lực sử dụng ngôn ngữ lớp học hiệu quả trong thực thi quyền lực giáo viên. Quyền lực được các giáo viên hiểu chủ yếu vẫn thiên về khái niệm quyền uy của người giáo viên trong mối quan hệ tương tác với sinh viên trong ngữ cảnh lớp học, và các giáo viên vẫn nhận thức rõ nhất biểu hiện có quyền lực trong vấn đề phân vai trong tương tác lớp học. Các giáo viên đã khéo léo chia sẻ quyền lực với sinh viên trong mối quan hệ tương tác lớp học, thông qua việc họ chỉ tham gia vào các vai trong lớp học với tư cách là người thúc đẩy, người cung cấp học liệu khi cần thiết, người gợi ý, người bạn đồng hành, người cho lời khuyên, người đánh giá, người thương thảo các hoạt động học tập có lợi cho người học.
(3) Các kiểu loại quyền lực được thể hiện trong diễn ngôn giáo viên tiếng Anh bậc đại học chủ yếu bao gồm: quyền lực xử phạt hay còn gọi là cưỡng chế, quyền lực ban thưởng, và quyền lực hợp pháp. Các biểu hiện cụ thể của ba loại quyền lực này đa số tương thích với các kĩ thuật nhận diện biểu hiện quyền lực mà McCroskey cùng cộng sự (1985) đã đề xuất, tuy nhiên một số kĩ thuật có xu hướng biểu hiện nỗi trội hơn trong diễn ngôn giáo viên trong khi đó một số khác hầu như rất hiếm gặp. Điều này được giải thích dựa trên bối cảnh văn hóa của các lớp học ở Việt Nam.
(4) Kết quả phân tích diễn ngôn lớp học của các giáo viên theo lý thuyết phân tích diễn ngôn ba chiều kích của đã cho thấy làm rõ các đặc điểm văn bản, đặc điểm thực hành diễn ngôn; cơ sở xã hội của thực hành diễn ngôn và vấn đề quyền lực, hệ tư tưởng của người phát ngôn bộc lộ qua diễn ngôn. Thông qua việc phân tích ngôn bản, phân tích liên diễn ngôn và giải thích diễn ngôn, chúng tôi nhận diện được các chiến lược diễn ngôn của giáo viên trong tổ chức hoạt động dạy học và quản lý lớp học, cũng như thể hiện các mối quan hệ quyền lực của mình với sinh viên trong tương tác lớp học. Mối quan hệ này phản ánh đúng hiện trạng lớp học ngôn ngữ hiện đại nhưng vẫn được đặt trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, còn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo và các thể chế văn hóa khác. Kết quả các bước phân tích diễn ngôn đã phản ánh các nét đặc trưng của thể chế chính trị, tập quán xã hội của diễn ngôn giáo viên, trong mối quan hệ tương quan với bối cảnh giáo dục của đất nước, vị trí của tiếng Anh trong chương trình giáo dục và đào tạo bậc đại học, vai trò của người giáo viên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và cả các ứng dụng của khoa học kỹ thuật vào giáo dục đào tạo.
(5) Từ kết quả của nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cũng mạnh dạn đề xuất mô hình lớp học kiến tạo, khởi phát từ ý tưởng của Hein (1991), ở đó người giáo viên sẽ đóng vai trò người thúc đẩy các hoạt động học tập của sinh viên, giúp sinh viên tự kiến tạo kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho bản thân; đồng thời tạo ra các mô hình lớp học hạnh phúc, nơi mà giáo viên dùng quyền uy của mình để giúp sinh viên tiếp cận những động lực học tập tốt đẹp, biến việc học thành phục vụ nhu cầu thiết thân, để có thể có được những động cơ học tập đúng đắn, đạt được những kết quả như mong đợi. |