Thông tin bài báo khoa học

Thông tin bài báo khoa học

Tên bài báo: Vai trò của gia đình nhiều thế hệ trong bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống ở tỉnh Thừa Thiên Huế
Tạp chí:
ISSN:
Tên tạp chí Kỷ yếu hội thảo khoa học cấp tỉnh, viện, trường đại học
Tạp chí Trong nước
Năm đăng: 2018
Tập:
Số:
Trang:
Lĩnh vực: Xã hội học chuyên đề; Khoa học về giới và phụ nữ; Các vấn đề xã hội Nghiên cứu gia đình và xã hội; Công tác xã hội
Tác giả: Võ Nữ Hải Yến
File đính kèm:
  1. 10 số ý kiến từ các hộ gia đình có 3 thế hệ chung sống thừa nhận có sự không thống nhất về các vấn đề lối sống sinh hoạt, cách quản lý tiền và tiêu tiền, cách thức làm ăn và phát triển kinh tế gia đình, và phương pháp giáo dục con cháu . Sự bất đồng này có thể là môi trường nảy sinh những mâu thuẫn gia đình và làm cho mối quan hệ giữa ông bà-con cháu bị kém đi. Những khi vui buồn, sự chia sẻ, tâm sự đối với người khác có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống người cao tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi tâm sự với con chỉ chiếm khoảng 25% số người được hỏi. Lý do chính là con cháu thiếu thời gian, không sẵn sàng lắng nghe và hai bên thiếu mối quan tâm chung. Tóm lại, qua những phân tích trên cho thấy, trong các gia đình nhiều thế hệ ở Huế hiện cũng đang tồn tại những mâu thuẫn, xung đột về một số quan điểm, giá trị sống giữa các thế hệ. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, không một gia đình nào không chứa đựng những mâu thuẫn bên trong, do đó, xung đột trong gia đình nhiều thế hệ là điều không thể tránh khỏi. Mâu thuẫn sẽ được biểu hiện ra ngoài khi có sự tiếp xúc, giao tiếp cùng nhau trong quá trình tổ chức đời sống sinh hoạt gia đình. Nhiều người vì “dĩ hòa vi quý” nên chọn cách im lặng mà lòng không thuận. Tuy nhiên, những khúc mắc không được giải quyết ổn thỏa, sẽ làm không khí gia đình càng thêm ngột ngạt, dẫn đến tình trạng “bằng mặt nhưng không bằng lòng” giữa các thành viên nên càng đẩy mâu thuẫn lên cao. Khi được chúng tôi phỏng vấn, một nữ giáo viên ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy đã chia sẻ: “Nói chung, khi bước vào đời sống gia đình nhiều thế hệ, mọi người hiểu là mình không còn chăm chút cho riêng bản thân mình nữa, mà là cho những thành viên khác trong gia đình” (PVS, nữ, 29 tuổi, giáo viên). 3.2. Nguyên nhân xung đột thế hệ trong các gia đình mở rộng Xã hội phát triển, kéo theo sự biến đổi các mối quan hệ trong gia đình, trong đó có mối quan hệ giữa các thế hệ. Thay vào việc "trên nói dưới phải vâng lời" thì ngày nay, tiếng nói của con cái được tôn trọng hơn, mỗi người đều được nói ra ý kiến, quan điểm riêng của mình. Điều đó, một mặt giúp thế hệ trẻ có được cơ hội phát triển, nhưng mặt trái là trong mối quan hệ gia đình thường xảy ra mâu thuẫn, xung đột hơn. Qua thực tế nghiên cứu các gia đình nhiều thế hệ ở Huế cho thấy, những mâu thuẫn trong gia đình nhiều thế hệ có thể liên quan đến các vấn đề kinh tế, tình cảm, chăm sóc lẫn nhau và giáo dục con cái, hoặc cũng có thể do những bất đồng về quan niệm và lợi ích, không đáp ứng được những kỳ vọng về vai trò của các thành viên gia đình. Nhưng tất cả những vấn đề đó đều xuất phát từ một nguyên nhân quan trọng đó là sự khác biệt về tuổi tác, từ đó, dẫn đến sự khác biệt về nhận thức, quan điểm, thái độ và những thói quen hành vi ứng xử giữa các thế hệ. Kết quả từ các cuộc phỏng vấn ở địa bàn nghiên cứu đều cho thấy một sự khác biệt rõ rệt: thế hệ già thường sống với quá khứ còn thế hệ trẻ lại sống với tương lai. Người già thường hướng về các giá trị truyền thống, do vậy, họ có xu hướng bảo thủ, áp đặt nhận thức và cách suy nghĩ của mình đối với những người trẻ. Trong khi đó, lớp trẻ do tiếp cận nhiều hơn với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các trào lưu văn hóa mới từ bên ngoài nên hướng tới thay đổi về suy nghĩ và nhận thức, họ trở nên độc lập hơn, cái tôi cá nhân phát triển hơn, họ muốn được tự do nói lên những suy nghĩ của mình, tiếp thu những giá trị hiện đại. Một nam giới làm nghề kinh doanh ở phường Thuận Hòa, thành phố Huế đã bày tỏ: “Những vụ va chạm giữa con cái trưởng thành với cha mẹ già thường xoay quanh vấn đề làm ăn. Cha mẹ già lo mình đầu tư lắm tiền lỡ thất bại, ông bà hay chắc chắn trong làm ăn. Còn thanh niên như mình lại chấp nhận mạo hiểm, rứa là dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình” (PVS, nam, 29 tuổi, kinh doanh). Không những bắt nguồn từ sự khác biệt về tuổi tác, những mâu thuẫn trong gia đình nhiều thế hệ ở Huế còn xuất phát ở sự khác biệt về văn hóa. Đa phần ông bà và kể cả cha mẹ đều sinh ra và trưởng thành hoặc ở chốn kinh thành, đậm bản sắc văn hóa truyền thống Cố đô xưa, hoặc ở vùng thôn trong điều kiện chiến tranh và bao cấp, dấu ấn văn hoá làng xã còn in đậm trong nếp nghĩ, nếp sống. Trong lúc đó, thế hệ con cháu lại sinh ra và trưởng thành ở đô thị, trong điều kiện hoà bình và hội nhập. Quan niệm về giá trị và định hướng giá trị của các thế hệ trong gia đình ở Huế do đó mà có rất nhiều điểm khác biệt. Ngăn ngừa và xử lý những xung đột gia đình phát sinh từ sự khác biệt văn hóa này là vấn đề rất khó. Nữ giáo viên của một trường cấp 3 trên địa bàn thị xã Hương Thủy đã chia sẻ: “Do thế hệ ông bà và thế hệ con cháu sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau nên nhiều khi cùng một vấn đề nhưng mỗi người lại có những cách nghĩ, cách giải quyết khác nhau và ai cũng cho ý kiến của mình đúng nên dễ sinh ra bất đồng” (PVS, nữ, 29 tuổi, giáo viên). Bên cạnh những nguyên nhân từ bản thân các thệ hệ sống chung trong gia đình thì những biến đổi từ phía xã hội cũng dẫn đến sự mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình nhiều thế hệ. Thừa Thiên Huế hiện nay đang trong quá trình hội nhập và phát triển, mỗi người đều bị cuốn theo công việc của riêng mình với mục đích kiếm thêm thu nhập, thời gian dành cho công việc tăng lên cũng đồng nghĩa với thời gian dành cho gia đình vì vậy mà ngày càng ít đi. Thực tế nghiên cứu ở địa bàn cho thấy, do sức ép của công việc, các thành viên trong gia đình ít quan tâm lo lắng đến nhau và giao tiếp với nhau hơn, vì vậy, làm cho mối quan hệ trong gia đình nhiều thế hệ ở đây trở nên rời rạc, lỏng lẻo, gây ra những ngăn cách không gian giữa các thành viên, tạo khó khăn, trở lực trong việc giữ gìn tình cảm cũng như các giá trị văn hóa, truyền thống của gia đình. Cùng với đó, sự xuất hiện của các kênh giao tiếp gián tiếp với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại cũng đã làm cho sự liên hệ, tương tác, giao tiếp giữa các thế hệ trong gia đình ở Huế càng ít đi. Không ít trường hợp khi chúng tôi phỏng vấn đã chia sẻ rằng: sống trong cùng một mái nhà nhưng ai cũng có một không gian riêng, một thế giới riêng, sự thông cảm, thấu hiểu giữa ông bà, con cháu ngày càng ít đi và do đó khoảng cách ngày càng xa dần. Như vậy, qua những phân tích trên đã cho thấy, giữa các thế hệ trong gia đình nhiều thế hệ ở Huế hiện nay luôn có một khoảng cách nhất định nào đó, chính khoảng cách này đã gây ra không ít mâu thuẫn, xung đột trong gia đình. Tuy nhiên, giữa người với người không chỉ được gắn kết bằng sự hòa hợp, mà còn là những mâu thuẫn (bởi mẫu thuẫn cũng là động lực thúc đẩy xã hội phát triển). Không có sự khoan dung nào mà không tồn tại va chạm. Không có sự chấp nhận nào mà không nảy sinh mất mát. Để có thể hóa giải, hàn gắn hay thu ngắn khoảng cách giữa hai thế hệ, thiết nghĩ cả ông bà, cha mẹ lẫn con cái không những chấp nhận, cảm thông ở mỗi vai trò của nhau mà còn phải cố gắng, kiên nhẫn, tìm hiểu để ngày càng thích ứng. Cha mẹ luôn luôn có cái nhìn chín chắn do đúc rút nhiều kinh nghiệm từ cuộc sống. Đó là điều tất nhiên. Nhưng trong xã hội văn minh, hiện đại ngày nay, những quan điểm của cha mẹ và con cái cần được phân định rõ ràng. Những gì còn phong kiến, hủ lậu thì loại bỏ, tu chỉnh, những gì tiến bộ thì nên được khuyến khích. Có như vậy, các thành viên mới thấu hiểu nhau hơn và tạo nên sự hòa thuận, chan hòa sống vui, mọi người cùng chung sức xây dựng gia đình, góp phần lưu giữ những nét đẹp của gia đình truyền thống ở mảnh đất Cố đô này. Cùng với sự phát triển của đất nước, tỉnh Thừa Thiên Huế đã không ngừng đổi thay trên nhiều phương diện trong đó có gia đình nói chung và gia đình nhiều thế hệ nói riêng. Tuy nhiên, trong xu thế hiện đại hoá hiện nay, gia đình nhiều thế hệ của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn bảo lưu nhiều nét đặc trưng riêng có của mình và làm nên diện mạo của mảnh đất thần kinh. Gia đình nhiều thế hệ ở Thừa Thiên Huế đảm nhận nhiều vai trò như gia đình ở các địa phương khác của đất nước Việt Nam, trong đó nổi bật là chức năng duy trì nòi giống, chức năng kinh tế, chức năng tâm lý, chức năng xã hội hoá trẻ em, chức năng chăm sóc người già, người tàn tật,v.v… Một trong những chức năng nổi bật của gia đình nhiều thế hệ ở tỉnh Thừa Thiên Huế là tiếp nhận, giữ gìn, bảo lưu và truyền lại các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc và của con người xứ Huế. “Gia lễ”, “Gia phong”, “Gia đạo” vẫn là những báu vật truyền đời của gia đình nhiều thế hệ nơi đây. Những báu vật này đã tạo nên nét riêng của gia đình nhiều thế hệ ở tỉnh Thừa Thiên Huế, làm cho nó không thể đồng nhất với gia đình nhiều thể hệ ở các vùng miền khác. Trong gia đình nhiều thế hệ ở tỉnh Thừa Thiên Huế hiện hữu các giá trị nhân văn sâu sắc như: tình yêu quê hương đất nước; hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên; trọng nhân nghĩa, trọng tình vợ chồng, chung thuỷ sắt son; trọng tình nghĩa anh em, bạn bè, hiếu học,…Đây chính là nhân tố tạo nên dòng chảy văn hoá Huế trong kho tàng văn hoá Việt xưa và nay và góp phần làm phong phú thêm giá trị của văn hoá Việt Nam. Việc bảo lưu các giá trị văn hoá truyền thống đã được thực hiện theo phương thức xã hội hoá hay nói cách khác là quá trình chia sẻ các giá trị văn hoá từ thế hệ này sang thế hệ khác trong khuôn khổ một gia đình. Đặt trong bối cảnh xã hội đang biến đổi nhanh theo xu hướng hiện đại thì chức năng này của gia đình nhiều thế hệ ở Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế là một đóng góp không nhỏ trong việc tạo ra bản sắc văn hoá dân tộc. Việc gia đình luôn luôn đứng ở vị trí cuối cùng của dãy hàng dọc, trên con đường đi tới sự đổi thay, đã chứng tỏ từ trong nội hàm của thiết chế gia đình chứa đựng không chỉ một sức cản lớn mà còn một khả năng lưu giữ và duy trì những giá trị và chuẩn mực được coi là truyền thống. Cùng với quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, cấu trúc và quan hệ trong gia đình ở Huế cũng có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản và văn hóa truyền thống của gia đình vẫn còn tồn tại. Gia đình nhiều thế hệ ở Huế vẫn đóng vai trò quan trọng, là nhân tố không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ở đây, hiện vẫn đang lưu giữ nền nếp gia phong bền vững với nhiều gia đình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” có ba đến bốn thế hệ sống sum vầy dưới một nếp nhà. Chính những gia đình truyền thống này đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, chuẩn mực trong cách ứng xử, trong nếp sống, thể hiện quan niệm và cách lựa chọn riêng mang bản sắc của người Huế và tạo nên những nét đặc thù riêng của văn hoá Cố đô. Tuy nhiên, cùng với sự biến đổi kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hiện tại, gia đình không làm sao tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định cả về chiều hướng tích cực và tiêu cực. Sự nối tiếp các thế hệ trong một khuôn viên có giới hạn đã làm cho các gia đình nhiều thế hệ ở tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay có thể tồn tại song hành cả những giá trị truyền thống và những giá trị hiện đại. Sự xung đột giá trị giữa các thế hệ là một tất yếu khách quan giữa những người khác thế hệ, thậm chí cùng thế hệ. Đây cũng là biểu hiện về sự xung đột giá trị trong một gia đình. Xung đột giá trị nếu không có cách nhìn đúng đắn và không có cách giải quyết thỏa đáng thì những xung đột này dễ bộc phát thành mâu thuẫn gia đình và có nguy cơ đe dọa sự tồn tại của gia đình nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, gia đình nhiều thế hệ ở tỉnh Thừa Thiên Huể (kể cả thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi) còn lưu giữ các phong tục không còn phù hợp như tang ma, cưới xin với nghi thức nặng nề, tư tưởng gia trưởng, thiếu dân chủ,v.v… Các gia đình hạt nhân ở Thừa Thiên Huế vẫn lưu giữ các phong tục này nhưng khả năng họ thay đổi, xóa bỏ các tập tục không phù hợp dễ dàng hơn gia đình nhiều thế hệ. Đây cũng là mặt trái trong chức năng của gia đình nhiều thế hệ ở địa phương và trở thành rào cản trong tiến trình phát triển. Do đó, yêu cầu cấp bách đang đặt ra cho vấn đề quản lý nhà nước về gia đình là phải nhìn nhận một cách nghiêm túc thực trạng giá trị văn hóa trong các gia đình nhiều thế hệ ở Thừa Thiên Huế hiện nay; xác định được đâu là những giá trị tích cực của gia đình truyền thống phải kế thừa, đâu là tinh hoa nhân loại cần tích hợp, học hỏi; giải quyết hài hòa, biện chứng mối quan hệ truyền thống và hiện đại, vừa giữ gìn, duy trì, kế thừa truyền thống, vừa biến đổi để phát triển văn hoá gia đình hiện đại.
Thuộc đề tài: 0