Thông tin bài báo khoa học

Thông tin bài báo khoa học

Tên bài báo: Sơn truyền thống thời Nguyễn ở Huế
Tạp chí:
ISSN: ISSN 0866-7349
Tên tạp chí Lý luận phê bình Văn học, Nghệ thuật (0866-7349)
Tạp chí Trong nước
Cơ quan xuất bản HĐ Lý luận phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương
Loại tạp chí Tạp chí
Cấp tạp chí HĐCDGS
Năm đăng: 2021
Tập:
Số: 12
Trang: 55-59
Lĩnh vực: Nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật
Tác giả: Đỗ Xuân Phú (Chính)
File đính kèm:
  1. 1. Khái quát chất liệu sơn truyền thống di tích thời Nguyễn Thời Nguyễn tinh tế chọn Huế làm thủ phủ (1802-1945), kế thừa và phát huy mạnh mẽ những tinh hoa của các thời kỳ trước đó, nhất là thời Lý. Kiến trúc di tích thời Nguyễn so sánh với kiến trúc di tích khác trong cả nước thì tuổi đời mỹ thuật cung đình thời Nguyễn còn non trẻ, chỉ có 143 năm hình thành xây dựng kinh thành, nhưng cũng vừa đủ để góp thêm tiếng nói của các chất liệu khác nhau, mà trong đó chất liệu sơn truyền thống và nghệ thuật trang trí nổi bật nhất. Sơn truyền thống đóng vai trò chủ đạo trong kiến trúc DTCĐH, bởi giá trị nhân văn biểu hiện rõ nét trên các kiểu thức trang trí. Chúng vẫn còn gắn bó với các nhân chứng sống đó là “các kiểu thức trang trí” và “chất liệu sơn truyền thống ” được định hình cụ thể trong QTDTCĐH ngày nay. Thuận Hóa (Huế) là nơi hội tụ các bậc tài năng, trí tuệ của cả nước. Cùng với kiến trúc, điêu khắc, sơn cổ truyền hiện hữu khắp nơi, từ cung điện, đền miếu, đền đài lăng tẩm của vua chúa cho đến các đình, chùa, nhà thờ họ đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Các vật dụng sinh hoạt từ trong cung đình cho đến dân gian như các gia đình quyền quý với những đồ sơn quen thuộc như hoành phi, câu đối, đáp, hộp, kiệu võng, án thư, sạp tủ đều được sơn cổ truyền tô điểm trang trọng, uy nghi. Sơn cổ truyền Huế được hành nghề theo từng cụm gia đình, họ hàng theo kiểu cha truyền con nối như một số ngành nghề thủ công khác. Có thể nói, cái nôi của nghề sơn truyền thống Huế tập trung ở làng như Địa Linh, Triều Sơn, Tiên Nộn ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó làng Tiên Nộn - xã Phú Mậu - huyện Phú Vang cách thành phố Huế khoảng 10 km về hướng Đông - Bắc, được xem là làng nghề sơn cổ truyền tại xứ Huế. Vào thời vua Khải Định đã trưng dụng cụ Nguyễn Đức Bùi vào cung đình phục chế sơn son thếp vàng. Trong kỹ thuật chế tác từ sơn sống làm ra sơn cánh gián để điều chế ra các màu, các loại sơn có được nhờ vào sức lao động của con đó là người thợ sơn, công lao của họ được đền đáp bằng những công trình sơn truyền thống biểu hiện rõ nét trên những kiểu thức trang trí như ngày nay. Thời Nguyễn chú trọng sơn truyền thống trên các công trình kiến trúc mang dấu ấn tâm linh rõ nét như Thế Miếu, Hưng Miếu, Triệu Miếu và Phước Thọ Am (Khương Ninh Các) …, chính nơi đây là những công trình có chất liệu sơn truyền thống giàu tính dân tộc và được coi như là một “khối thống nhất sơn” mạnh mẽ, đặc trưng và sánh với các chất liệu khác cùng thời. Các công trình kiến trúc cung đình dưới thời Nguyễn theo lối dàn trải, không cao theo hướng vút lên bầu trời so với một số kiến trúc ở miền Bắc, nhưng kiến trúc thời Nguyễn có kiểu thức trang trí được phủ lớp sơn truyền thống độc đáo và nổi bật, bắt mắt nên tác giả Phan Thuận An trong bài viết Kiến trúc cố đô Huế khẳng định “…Với vật liệu chính là gỗ, các cung điện làm theo kiểu nhà kép, gọi là trùng lương trùng thiềm. Trang trí nội ngoại thất đều rất phong phú bằng hình ảnh và thư văn chen kẽ nhau theo lối nhất thi nhất họa. Chạm trổ tỉ mỉ, công phu, tinh tế” [1, tr.37]. Cho thấy, thời Nguyễn đã chú tâm đến kiến trúc cung đình bằng nghệ thuật tạo hình độc đáo trong các chất liệu như khảm sành sứ, tranh gương, đúc đồng, đặc biệt chất liệu sơn truyền thống mà nổi trội hình chạm khắc cầu kỳ, chúng tôn vinh vẻ đẹp tạo hình lẫn nhau. Ở đây mảng sơn truyền thống có mặt hầu hết ở nội và ngoại thất cung điện, xử lý thành thạo các thao tác, công đoạn trong phần kỹ thuật một cách có tính chủ động trong bộ tứ linh, tứ thời độc tôn. Nghệ thuật trang trí với những kiểu thức được biểu hiện bằng sắc đỏ, vàng lộng lẫy với những đường nét sắc sảo, sinh động; phải công nhận sự tìm tòi, sáng tạo tài hoa của các nghệ nhân thời bấy giờ. Những kiểu thức ấy có sự tác động trở lại với đời sống mỹ thuật trong sự tiếp nhận thuộc tính tạo hình ở cung đình mỹ thuật triều Nguyễn. Tác giả Gia Bảo trong bài viết Những ý tưởng sáng tạo trong hội họa đã trình bày “Hiếm thấy một chất liệu tạo hình khác có sự giao hòa giữa cung đình mang đặc trưng như vậy” [2]. Chính yếu tố về các dấu tích của sơn truyền thống trong ở các đình, chùa, làng xã có tính tương đồng. Điều đó phản ánh sự giao thoa giữa nghệ thuật dân gian và cung đình tạo ra một mạch thống nhất mạnh mẽ trong chất liệu sơn truyền thống mang yếu tố tâm linh. Mỹ thuật thời Nguyễn, chú trọng đến sơn truyền thống với các họa tiết khắc chạm đã để lại những báu vật có giá trị thẩm mỹ của những tác phẩm nghệ thuật mang phong cách truyền thống, như hình tượng rồng, phượng, bát bửu, chữ viết trên các ô hộc... Nghệ thuật cung đình hòa quyện cùng nhau tồn tại và phát triển, là điểm nhấn làm tôn lên các họa tiết trang trí. Giai đoạn đầu phát triển trên cơ sở kế thừa mỹ thuật thời Lê, hình tượng rồng với họa tiết uốn lượn quen thuộc. Thời Minh Mạng là giai đoạn hưng thịnh, nhà vua tiến hành cải cách hành chính, xác lập vương quyền, cải cách phong tục, phát triển kinh tế. Trong quá trình phát triển ấy nhà Nguyễn đã biết tiếp thu có chọn lọc nền nghệ thuật Trung Quốc và phương Tây điển hình như kiến trúc lăng Khải Định. 2. Vai trò của sơn truyền thống trên các công trình kiến trúc mang dấu ấn tâm linh thời Nguyễn Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho triển khai quy họach tổng thể và xây dựng hệ thống các công trình kiến trúc cung đình thời Nguyễn tại Phú Xuân, phần lớn kiến trúc xây dựng theo đường trục Dũng Đạo, hướng Nam tiến. Phong thủy của kinh đô Phú Xuân có dòng sông Hương với thượng nguồn nước chảy ra biển cả, phía Nam có núi Ngự Bình, phía Đông có biển, phía Tây có dãy núi Trường Sơn che chắn thuận lợi cho việc quốc thái dân an. Trong đó vua chú tâm vai trò của sơn truyền thống có chức năng làm đẹp cho vương quyền, mặt khác mô tả các họa tiết trang trí đặc sắc. Mỹ thuật thời Nguyễn giữ được nét riêng, tính độc đáo về kiến trúc và chất liệu sơn truyền thống đã được tác giả Trần Lâm Biền khẳng định trong nghiên cứu Huế, Mỹ thuật Nguyễn, Những cái riêng đã cho rằng “…Cung điện và lăng tẩm của Huế vẫn có cái riêng của chúng. Cái riêng ấy của Huế phải chăng chính là chất cung đình trong Mỹ thuật Nguyễn” [3, tr.177]. Dưới thời Nguyễn, vai trò của chất liệu sơn truyền thống không thua kém với các chất liệu khác, thậm chí nó còn lấn lướt cả không gian triều đình Nguyễn. Sơn truyền thống biểu hiện như một nét riêng và thế mạnh gắn liền với nghệ thuật trang trí đã góp phần làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ về nội dung cũng như hình thức ở một số công trình tiêu biểu mang yếu tố tâm linh như Thế Miếu, hưng Miếu và Phước Thọ Am... 3. Dấu ấn tâm linh biểu hiện rõ nét ở Thế Miếu (1821 - 1822), Hưng Miếu (1804) Sau khi vua Gia Long băng hà, vua Minh Mạng cho xây dựng Thế Miếu (Thế Tổ Miếu) thờ cúng vua Gia Long. Tuy nhiên, vua Minh Mạng không chỉ đặt ra mục đích như vậy mà ý đồ sẽ sử dụng để thờ các vua Nguyễn sau khi băng hà cho đến ngày nay. Thế Miếu toạ lạc ở hướng Tây sau Hiển Lâm Các. Thế Miếu là một công trình kiến trúc khá bề thế, có giá trị thẩm mỹ sơn rõ nét hơn so với các công trình Thái Miếu, Triệu Miếu. Nội thất trong các hàng liên ba trên nóc điện được chạm trổ các kiểu thức trang trí bắt mắt với các đề tài trang trí gần gũi với dân gian. Những hàng cột, bức tường, cấu kiện, đòn tay được sơn thếp công phu tỉ mỉ với những ô hộc và bát bửu đan xen chữ viết chạm nổi ở tầng liên ba, các họa tiết rồng hoá và cúc hóa lồng ghép, đường nét kỷ hà tạo thành những đường diềm trang trí thú vị. Hương án của các vị vua biểu hiện tính nghệ thuật cao, mỗi án thờ có đến 11 hình dạng ô hộc của hình vuông, chữ nhật được chạm lộng tinh tế, sắc sảo hình tượng rồng, phượng, hoa sen, long mã… có lối bố cục thuận mắt, kết hợp với đường diềm chạm lộng tinh tế và khởi sắc của vàng lá được phủ lên. Người thợ sơn, tập trung trí tuệ và công sức vào chất liệu sơn truyền thống trên đồ sơn trang trí ở Thế Miếu, từ những án thờ cho đến các khánh thờ và sập thờ đã được gọt giũa trau chuốt họa tiết trang trí là điểm nhấn và bộ mặt của mỹ thuật cung đình Nguyễn. Hưng Miếu là nơi thờ tự Hưng tổ Khương Hoàng Đế hay Nguyễn Phúc Luân (thân phụ của vua Gia Long). Hưng Miếu được phục hồi năm 1951, trùng tu năm 1995 và tu bổ lớn vào năm 2004. Kinh phí bảo tồn của Chính phủ Việt Nam và có sự tài trợ của nước Thái Lan. Vai trò sơn truyền thống được khôi phục khá hoàn hảo trên công trình Hưng Miếu; kỹ thuật của sơn truyền thống ở nội thất hoàn toàn giống với kỹ thuật ở Thế Miếu, Hiển Lâm Các; nhưng đến công đoạn dát bạc lá phủ một lớp hoàng kim có màu vàng ngã đỏ hoàn toàn không giống với vàng lá ở Bửu tán và các án thờ trong Thế Miếu... Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát về chất liệu sơn truyền thống tại Hưng Miếu, tác giả chứng kiến trong công đoạn dát bạc lá và phủ hoàng kim gần giống với công trình son thếp ở Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội, phần lớn đội ngũ (nghệ nhân, thợ sơn) trùng tu được mời từ miền Bắc. So sánh giữa công trình Hưng Miếu và Tử Cấm Thành, chất liệu sơn truyền thống có phủ hoàng kim trên bạc lá cũng hoàn toàn khác nhau. Vào năm 2013, TTBTDTCĐH xúc tiến và triển khai việc tu sửa kiến trúc lẫn nghệ thuật trang trí và sơn truyền thống ở Tử Cấm Thành. Người thợ Huế sau khi dát bạc lá hoàn thành mới cho phủ hoàng kim bằng sơn chín trộn với phẩm vàng, kết quả trên bạc lá được phủ đọng lại một lớp màu vàng tươi khác biệt với màu vàng trên bửu tán và càng khác hơn với sơn thếp vàng ngã đỏ ở Hưng Miếu. Hưng Miếu đã được các nghệ nhân miền Bắc thi công son thếp và nghệ thuật trang trí rất công phu, tinh xảo, có giá trị thẩm mỹ. Biểu hiện rõ nét nhất trong 3 án thờ ở mặt tiền và 1 án ở mặt hậu của gian thờ chính giữa, cùng với sập thờ, khánh thờ đã được người thợ dày công tạo hình các kiểu thức trang trí như hình tượng rồng, phượng, sen hoá, hổ phù và song thọ… Chúng được chạm lộng tinh vi và chiếm ngự trên các ô hộc, đường diềm, hình tượng dơi giải quyết các góc rất hài hòa và có những bát bửu chen kẽ với ô hộc thơ văn chữ viết chạm nổi được đặt trên mái ngói, các mẫu thức ấy có ý nghĩa dân gian, tâm linh của cung đình mỹ thuật Nguyễn. 4. Dấu ấn tâm linh biểu hiện rõ nét nhất ở Phước Thọ Am (Khương Ninh Các) - 1831 Trong QTDTCĐH, nghệ thuật trang trí khá phong phú và đa dạng của mỗi thể loại. Chúa Nguyễn chú trọng tâm linh, tín ngưỡng và đã cho xây dựng một ngôi chùa nhỏ trong Hoàng Thành đó là Phước Thọ Am (Khương Ninh Các) ở phía Tây Bắc của cung Diên Thọ, vào năm Minh Mạng thứ 12 (1831). Đây là công trình để các thái hậu, hoàng hậu và cung phi thường đến tụng kinh, giữ tâm thanh tịnh, cầu nguyện an lành. Nơi đây thờ tự Thần, Phật, Quan Công và 10 vị Thập điện Minh Vương có họa tiết trang trí rồng, vân mây và lửa bằng chất liệu sơn truyền thống; Thánh Mẫu Thiên Y A Na thờ phía mặt sau, được tô phủ lớp sơn truyền thống màu đỏ của yếm và áo bên ngoài màu lục đậm có khắc chìm họa tiết vân mây, phượng; 2 tượng Tổ của nghề hát bội tô sơn truyền thống. Hình tượng ngựa cũng làm bằng sơn truyền thống với các họa tiết rồng mặt ngang, sóng nước, đồi núi và kết hợp tua. Ba hình tượng nữ của Ban Hội đồng được tô vẽ sơn truyền thống, trong đó hình tượng 3 bà có lối trang phục màu khác nhau: Bà ở chính giữa có chiếc áo màu đỏ, bên tả màu lục đậm, bên hữu màu vàng, họ có chung một điểm giống nhau đó là mô tả hình tượng phượng ở chính giữa thân áo và tay áo..., vẽ những vầng mây xung quanh áo cùng với sóng nước và đồi núi dưới thân đủ màu sắc, còn ba chiếc mũ, 3 đôi hia cũng được sơn truyền thống hài hòa chung. 5. Đặc trưng của mỗi nhân vật với trang phục lễ nghi bằng chất liệu sơn truyền thống Thời Nguyễn trong Hoàng Thành Đại Nội, mỗi khi bàn luận hình tượng chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ đến các hình tượng hoa lá, chim thú hay long lân quy phụng v.v... Nhưng ở đây, tác giả bài viết muốn khẳng định từ hình tượng ở đây là nhân vật con người cuả 3 nhân vật nữ trong Ban Hội đồng được đặt vị trí Khương Ninh Các, những nhân vật này có nhân trắc học chuẩn mực, cùng ngồi và hướng thẳng về phía trước trang nghiêm với trang phục lộng lẫy bởi 3 sắc màu đỏ (son), vàng và xanh dương bằng chất liệu sơn truyền thống. Thần sắc của mỗi nhân vật rất thánh thiện, khoan dung như mong đợi điều gì tốt lành cho công việc. Bởi vậy, quan niệm của người Việt màu son luôn đem lại niềm tin gắn liền với hạnh phúc, phồn thịnh, cầu mong được no đủ nên được sử dụng nhiều trong cung điện, đình chùa, lễ hội. Văn hoá tâm linh là sự kết nối bền vững giữa nhân dân và cung đình thời Nguyễn, biểu hiện giá trị thờ cúng tổ tiên ông bà ở Thế Miếu và Hưng Miếu từ đời này sang đời khác, nên tác giả Nguyễn Đăng Duy nghiên cứu về Văn hoá tâm linh có nhận định “Giá trị văn hoá tâm linh của văn hoá gia đình vẫn tồn tại vĩnh cửu chừng nào con người còn tồn tại” hoặc “Những giá trị tâm linh là hết sức bền vững, là hằng số của văn hoá gia đình” [4]. Cho nên, hình tượng nữ chính giữa (trang phục màu đỏ, mũ mão và hia hài màu vàng) đóng vai trò quan trọng của người điều hành trong Ban Hội đồng với nét mặt nghiêm nghị đang trình bày một vấn đề gì khá quan trọng bởi động tác tay phải dương cao so với tay trái đặt trên tà áo của chân trái. Hình tượng nữ phía tả (trang phục màu vàng, mũ mão màu vàng, hia hài màu đỏ) với tư thế khoan thai, mắt đăm chiêu hướng về phía trước như quan sát toàn cảnh của buổi điều hành. Tay phải tựa trên thành ghế còn tay trái đặt trên chân trái, hướng của hai bàn tay úp xuống. Đặc biệt hình tượng nữ phía hữu (trang phục màu xanh dương, mũ mão màu đỏ, hia hài màu xanh) với ánh mắt đăm chiêu, tay trái đang cầm tập sách đặt trên tà áo chân trái. Đặc trưng giống nhau của hình tượng nữ là 3 nhân vật có kiểu dáng ngồi nghiêm túc, mặt hướng về phía trước đôi mắt đăm chiêu, nhưng điểm khác nhau về thế dáng tay và màu sắc trên mỗi chiếc áo, mũ mão và hia hài [H.1, 2]. - Mũ mão: Đặc trưng của 3 chiếc mũ là hình chóp, có ba màu đỏ, vàng và xanh, nghệ nhân đã chạm khắc họa tiết tinh tế và được sơn son thếp vàng. - Trang phục: Mỗi nhân vật trong Ban Hội đồng, họ có lễ phục thống nhất các họa tiết trang trí. Trọng tâm họa tiết chính là con phụng, hình tượng phụng tạo sự uyển chuyển mềm mại, chim phụng chuyển động theo hướng bay lên và chiếm diện tích chính giữa của mỗi chiếc áo và đó là đặc trưng của nữ giới. Ngoài ra nghệ nhận còn chạm khắc 2 con phụng, đầu của nó hướng vào nhau và đăng đối qua đuôi phụng chính giữa thân áo. Xung quanh Phụng là những mảng mây được phân bố đều đặn trước, sau lưng và ngay cả trên tay áo cùng với hình tượng phụng, chúng có kích thước nhỏ hơn so với thân áo trước. Cuối thân áo được nghệ nhân chạm khắc, tô vẽ sóng nước và đồi núi đủ màu sắc, tạo cho trang phục thêm uy nghi trong Ban lễ. - Hia hài: 3 đôi hia cũng được nghệ nhân làm đẹp bằng sơn truyền thống, khắc chạm họa tiết hài hòa chung với mũ mão và trang phục. KẾT LUẬN Sơn truyền thống phủ kín tất cả kiến trúc gỗ di tích thời Nguyễn, đánh dấu một thời sắc son, huy hoàng và lộng lẫy bởi sơn son thếp vàng đem lại. Chúng tạo nên sự trang nghiêm, uy nghi và bề thế cho các vị vua thời bấy giờ. Bản chất của sơn truyền thống đã chứa đựng về tính tâm linh của nó, bởi chất liệu trầm ấm, cùng với sắc vàng, đỏ (màu son) với vàng lá óng ánh tô vẽ trên họa tiết đã được nghệ nhân, người thợ sơn trang trí trên các cấu kiện gỗ..., toát lên màu sắc cổ kính, ấm cúng tăng vẻ đẹp huyền bí nơi chốn cung đình triều Nguyễn được biểu hiện rõ nét về tính tâm linh ở công trình kiến trúc gỗ và sơn son thếp vàng tại Thế Miếu, Hưng Miếu và Phước Thọ Am... TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phan Thuận An (2006), Kiến trúc Cố đô Huế, Nxb Đà Nẵng. 2. Gia Bảo (2006), Những ý tưởng sáng tạo trong hội hoạ, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội. 3. Trần Lâm Biền (1979), Huế, Mỹ thuật Nguyễn, Những cái riêng, đăng lại trong Những con đường tiếp cận lịch sử (2000), Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội. 4. Nguyễn Đăng Duy (1996), Văn hóa tâm linh, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
Thuộc đề tài: 0