Thông tin bài báo khoa học

Thông tin bài báo khoa học

Tên bài báo: Kiểu thức trang trí được tô điểm trong không gian nội thất nhà rường Huế
Tạp chí:
ISSN:
Tên tạp chí Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế 28/10/2021
Tạp chí Trong nước
Năm đăng: 2021
Tập:
Số:
Trang:
Lĩnh vực: Nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật
Tác giả: Đỗ Xuân Phú (Chính)
File đính kèm:
  1. HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TỈNH NĂM 2021 KIỂU THỨC TRANG TRÍ ĐƯỢC TÔ ĐIỂM TRONG KHÔNG GIAN NỘI THẤT NHÀ RƯỜNG HUẾ TS. Đỗ Xuân Phú Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế Tóm tắt: Nhà cửa trong cuộc sống hiện đại ngày nay đã làm cho con người có nhiều suy nghĩ về những hoài niệm trong quá khứ. Nhớ về cội nguồn, về tổ tiên, gia tộc đã từng ở trong nhà rường và luôn có hoài bão, ước mơ có một căn nhà đầy đủ không gian xanh, nhà vườn thoáng mát và thêm vào đó những giá trị thẩm mỹ họa tiết trang trí chạm khắc trên các cấu kiện gỗ đậm chất Huế. Nghệ thuật chạm khắc các kiểu thức trong nội thất nhà rường đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của dân gian, nhà rường với những hàng cột chiếm đa số, nhưng hạn chế không trang trí cho chính nó, nên để bù đắp cho những khiếm khuyết đó, gia chủ quyết định cho thợ chạm tô điểm kiểu thức trang trí trên các ô hộc, đòn tay, vì kèo trong không gian nội thất nhà rường dân gian để đem lại giá trị thưởng ngoạn về mặt tinh thần sau những ngày lam lũ trong công việc của người dân. Từ khóa: Nhà rường Huế, họa tiết trang trí, không gian xanh, tô điểm, người thợ chạm khắc, giá trị thẩm mỹ, đậm chất Huế 1. Mở đề Đô thị hóa xã hội ngày càng dẫn đến tình trạng thu hẹp không gian sống, thu hẹp diện tích đất ở và hạn chế của mỗi hộ gia đình không xây cất nhà rường theo lối cổ truyền. Trước đây mỗi gia đình ông bà chúng ta có quỹ đất khá rộng vài trăm, vài ngàn mét vuông, thuận lợi cho việc dựng cất nhà rường từ 1 đến 3 gian, trong đó 1 gian chính và 2 gian phụ, hoặc 3 gian chính và 2 gian phụ (có tên gọi là chái). Một số gia đình thượng lưu, giàu có gia chủ cho thợ mộc xây dựng nhà rường từ 5 đến 7 gian gồm 3 gian chính và 2 gian phụ hoặc 5 gian chính và 2 gian phụ. Trong hệ thống nhà rường, vai trò của các hàng cột chúng có chức năng liên kết chống và đỡ các vì kèo trong bộ khung nhà và mái, chúng còn có ý nghĩa triết lý nhân sinh rất quan trọng trong những hàng cột cao to như hai cột trong phía Đông gọi là “nhất đông hậu”, hai cột trong phía Tây “nhất tây hậu”, hai cột ngoài phía Đông “nhất đông tiền” và hai cột ngoài phía Tây “nhất tây tiền”. Ngoài ra chúng còn có một số hàng cột phụ hỗ trợ cho cột chính vững chắc trong các vị trí của nhà rường. Nhà rường Huế ngày nay không còn nhiều, tuy nhiên cũng đủ cho chúng ta nhận biết được giá trị cổ xưa và những kiểu thức trang trí của nhà rường Huế trên đất Kinh Thành. Vua chúa, hoàng thân, các quan lại và người dân giàu có họ đều sinh hoạt trong căn nhà rường. Ưu điểm của nhà rường Huế được làm bằng chất liệu gỗ, chúng còn giữ được vẻ đẹp của những kiểu thức trang trí trên các ô hộc, các đòn tay, vì kèo và đầu hồi các cấu kiện gỗ. Đồng thời trong nội thất các họa tiết trang trí thể hiện rõ nét trên các đồ thờ như hương án, trang thờ, hoàng phi, câu đối, trướng liễn; còn đồ dùng sinh hoạt như bàn, ghế, tủ, gương, chúng đã làm nên nét đẹp văn hóa Huế từ thời Minh Mạng (1802-1840) cho đến ngày nay. 2. Nội dung 2.1. Vai trò của người thợ mộc, thợ vẽ và thợ chạm khắc. Các loại gỗ mộc là nguyên liệu để làm nên nhà rường và trang trí các họa tiết, các công việc chỉ rõ vị trí nghề nghiệp của những người thợ như Ty thợ mộc, Ty thợ vẽ, Ty thợ chạm khắc. Ty thợ mộc chuyên gia công, các hình dáng gỗ cho việc lắp ráp các mộng của các cấu kiện gỗ, đòn tay, vì kèo nhà rường hay các đồ thờ tự, đồ gia dụng. Ty thợ vẽ chuyên vẽ những kiểu thức trang trí lên trên các cấu kiện gỗ, để Ty thợ chạm khắc có nhiệm vụ đục đẽo, chăm chút từng chi tiết. Các đồ án trang trí chạm nổi nông, sâu rất tinh xảo của họa tiết hoa lá, chim thú, chữ viết. Vai trò của các Ty không thua kém nhau, có chức năng và nhiệm vụ bổ sung cho nhau tồn tại, đem lại sự hài hòa giữa ô hộc đan xen với các đồ án kiểu thức trang trí, cùng với gia chủ và các người người thợ. Ngoài ra nghệ thuật trang trí trên các kiến trúc gỗ đòi hỏi vai trò của người thợ tô vẽ và chạm khắc có tay nghề bậc cao. Thời Nguyễn đã quy tụ thợ giỏi, phải kể đến ông Nguyễn Văn Cao xuất thân từ Thanh Hóa, được vua trưng tập vào phục vụ cung đình, ông rất nổi tiếng về nghề chạm khắc, nghề mộc... Lúc vào cung ông đem theo người con trai Nguyễn Văn Thọ có tay nghề “vàng” không thua kém thân phụ sinh ra. Cả hai cha con là nghệ nhân nổi tiếng trong triều đình, ông đã kết duyên với cô con gái làng Mỹ Xuyên huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi mãn hạn ông trở về quê hương của vợ và truyền nghề lại cho con cháu trong làng dưới thời Tự Đức (1847-1833), kể từ đó làng Mỹ Xuyên nổi tiếng có nghề chạm khắc. Kể từ đó những lớp người thợ giỏi chạm khắc hoạt động mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng khắp tỉnh Thừa Thiên Huế về nghệ thuật trang trí họa tiết của đồ gỗ và nhất là các kiểu thức trang trí được tô điểm trong nội thất không gian nhà rường Huế. Chính yếu tố nghề nghiệp chuyên sâu đã quyết định sự thành công của những sản phẩm, bằng trí óc tư duy, sự khéo léo của đôi bàn tay và kinh nghiệm của mỗi cá nhân. Người thợ có vai trò tô điêm và đã đem lại hiệu quả trong tạo hình trên những họa tiết trang trí bằng những hình, khối, nét màu sắc của sơn thếp có ý nghĩa nhân văn. Do đó tác giả Nguyễn Hữu Thông nghiên cứu Huế, nghề và làng nghề thủ công truyền thống có nhận định “Người thợ chạm sử dụng kỹ thuật khắc chìm, khắc nổi, khắc cạn hoặc sâu (nét trầm phủ), có khi óng ả với sắc màu xà cừ, có khi lộng lẫy với màu thếp vàng hoặc trang trọng với màu phủ của sơn son” [ ]. 2.2. Những nét đặc trưng thẩm mỹ của nhà rường Huế Nghệ thuật nhà rường Huế có những hàng cột tròn to, vì kèo, mái che có đặc trưng được làm bằng chất liệu gỗ và không có vách ngăn. Đặc trưng thẩm mỹ của các họa tiết trang trí ở trên các khối đá thanh làm bệ đỡ cho những hàng cột duyên dáng hơn, đồng thời tránh được sự ẩm ướt và mối mọt làm hư hỏng chân của các hàng cột. Đặc trưng thẩm mỹ hoa văn tứ quý, bát bửu, hoa lá hay chữ nho trên các hệ thống kèo, xà, đòn tay và các vách đố trên trần nhà chính diện của 3 gian đều được gia chủ quyết định chạm khắc theo sở thích để cầu nguyện an lành, trường thọ và sự thịnh vượng của mỗi gia chủ. Đặc trưng nhà rường Huể còn thể hiện ở nét đẹp trên kiến trúc gỗ cổ kính của di sản văn hóa truyền thống của người dân Huế Nét đặc trưng nhà rường Huế còn có tính chất đăng đối kiến trúc và những kiểu thức trang trí trong gian chính, gian phụ và đồ thờ, đồ sinh hoạt trong nội thất. 2.3. Những kiểu thức trang trí được tô điểm trong không gian nội thất nhà rường đậm chất Huế Trong đời sống, con người đóng vai trò chủ đạo trong xã hội, làng xã và của mỗi gia tộc. Họ chăm chút, trau chuốt tư thất nhằm mục đích thờ cúng gia tiên và sinh hoạt thường nhật trong không gian nhà rường cột. Mặc khác, họ còn có ý thức tô điểm những kiểu thức trang trí trên các ô hộc của các gian nhà chính, tả hữu và trên các vì kèo hoặc đồ tế tự, đồ sinh hoạt nội thất rất công phu, tỉ mỉ, tăng thêm vẻ đẹp cổ xưa của vùng đất Kinh Thành Huế và văn hóa Huế ngày nay. Vì vậy, Tác giả Phân Thuận An trong nghiên cứu khẳng định “Trang trí nội ngoại thất đều rất phong phú bằng hình ảnh và thư văn chen kẽ nhau theo lối nhất thi nhất họa. Chạm trổ tỉ mỉ, công phu, tinh tế” [ ] Qua so sánh những kiểu thức trang trí, cho thấy sự tô điểm nhà rường trong dân gian được kỳ công và điêu luyện hơn so với kỹ thuật chạm khắc trong kiến trúc cung đình Huế. Điều này cho chúng ta biết được người thợ chạm khắc nhà rường dân gian không bị áp lực về mặt thời gian và không chịu sự quản lý khắc khe của triều đình, nên người thợ có tưởng ổn định, có tư duy thoải mái và đạt độ tinh xảo đáng kể trong các kiểu thức trang trí dân gian. Cho nên tác giả Hà Văn Chước trong Nghiên cứu khoa học có chủ đề Đặc trưng tạo hình tứ linh trong trang trí nhà rường Thừa Thiên Huế cho rằng “Trang trí kiến trúc cung đình sau khi chạm khắc xong được phủ sơn son thếp vàng, do vậy phần chạm mộc có thể không cần trau chuốt. Riêng nhà dân không được sơn son chỉ để mộc” [ ] và tác giả Chu Quang Trứ khẳng định “Về trang trí cung điện triều Nguyễn, về cả đề tài và kỹ thuật không hơn gì trang trí đình làng và nhà dân thậm chí còn đơn sơ hơn” [ ]. Chính vì vậy, hiệu quả trang trí họa tiết trong dân gian đạt phần kỹ thuật điêu luyện, sắc sảo trong các đề tài hoa lá, bát bửu, long, lân, quy và phụng hóa. 2.3.1. Tô điểm trên các ô hộc, đòn tay, vì kèo Nhà rường dân gian phát triển theo chiều dài lịch sử, một thời chúng được mệnh danh “nhà của người giàu có” về kiến trúc nhà gỗ của thời kỳ đó. Ngày nay mật độ dân cư đông đúc, cuộc sống đô thị hóa nên kiến trúc nhà ở thay đổi đến choáng ngợp, để thích ứng trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, một số nhà rường còn hiện hữu và còn tồn tại mãi theo thời gian. Chúng không bị áp lực từ phía xã hội, từ con cháu mà bản thân chúng còn khẳng định kiến trúc nhà rường gỗ được tô điểm kiểu thức trang trí trên các vì kèo, đòn tay, đầu hồi cột đem lại giá trị thẩm mỹ của dân gian. Kiểu thức trang trí được chạm khắc trong các ô hộc (đòn tay) Kiểu thức trang trí được tô điểm trên một số họa tiết trong không gian nội thất nhà rường, trong đó gia chủ và người thợ thực hiện chạm nông và sâu cho các họa tiết. Chạm khắc trên ô hộc ở gian chính diện hay trên các đòn tay, thể hiện cách nhìn có tính sáng tạo trong trang trí, giúp người thưởng ngoạn tập trung hơn cho mỗi ô hộc về các hình tượng hoa lá, qủa cành, chim thú xen kẽ với chủ đề chữ (bài thơ). Theo quan sát cho chúng ta thấy trong bức phù điêu được chạm nông sâu, có lớp trước và lớp sau, giữa hình và nền, giữa hình với hình, giữa lớp họa tiết này với các lớp họa tiết khác để có tính hoàn mỹ của kiểu thức trang trí. Chúng có sức sống trong không gian cảnh vườn cỏ cây, hoa mai và chim sẻ thu nhỏ, cạnh bên ô hộc chữ viết là bài thơ được sắp xếp trật tự, ngăn nắp với đường viền chặt chẽ (H.1). H.1. Ô hộc trang trí họa tiết xen kẽ chữ, Nhà rường 1 gian 2 chái (của Tôn Thất Quỳnh Bằng, đường Nguyễn Thiện Thuật), ảnh tác giả 2021 Kiểu thức trang trí được chạm khắc trên đòn tay Đòn tay là thanh đỡ mái ngói, nó chịu lực bên trên của nhà rường, ngoài ra nét đẹp của nó tạo thành những thanh dài thanh thoát, nếu như nét đẹp ấy vắng bóng những kiểu thức trang trí như hoa lá, chim thú, tứ linh. Thời Nguyễn vận dụng thành công hình tượng long, lân, quy, phụng trên các chất liệu gỗ, đồng, sắt, kể từ đó việc chạm khắc các kiểu thức trang trí được thời Nguyễn cho lan tỏa trong nhà rường dân gian. Hình tượng lân hóa rồng (H.2) trên đòn tay được người thợ chạm bố trí trên bề mặt của đòn tay có bố cục giới hạn trên dưới của chiều cao và phát triển của 2 bên chiều dài (ngang) của nó. Lân ở dạng này được trang trí hài hòa giữa hình tượng với các giải vân mây có các tua mềm mại, thân hình được tạo hình với tư thế uyển chuyển, chắc khỏe, khối đơn giản, thân to, chân ngắn, đuôi cách điệu vân mây và rõ nét đầu con rồng. H.2. Lân và vân mây, huyện Hương Trà, TTH, ảnh của Hà Văn Chước Và tương tự, đòn tay dưới đây có họa tiết hoa quả được khắc chạm bố cục đăng đối tuyệt đối với 2 quả - hoa và tương đối của cành - lá, chúng được bố trí trên bề mặt của đòn tay có bố cục giới hạn trên dưới của chiều cao và 2 bên chiều dài (ngang) của nó và phát triển theo hướng mở (H.3). H.3. Hoa quả, tư thất Tôn Thất Quỳnh Bằng, đường Nguyễn Thiện Thuật, Huế, ảnh tác giả 2021 Kiểu thức trang trí được chạm khắc trên vì kèo, đầu hồi cột Toàn cảnh của các họa tiết trên vì kèo và đầu hồi nối với các cột trụ, chúng có sức hút lực thị giác vào những họa tiết của đầu rồng, thân rồng, vảy rồng, kết hợp hoa lá. Mặc dầu chúng không liền nhau và đã được thợ chạm khắc chia thành từng phần khá hợp lý, để phù hợp từng đoạn kèo và đầu hồi trong phạm vi nhất định. Thành công của người thợ biết sắp sếp từng họa tiết đơn đến nhóm họa tiết trong mỗi vị trí, đã đem lại hiệu quả thẩm mỹ về chức năng của vì kèo và đầu hồi được trang trí rồng (H.4). Đầu rồng được chạm chi tiết, sâu từ mắt, mũi, miệng và râu diễn tả rõ nét; đầu ngắn, mắt mũi to, miệng có răng lộ ra; còn râu thể hiện như các giải vân mây xoắn mềm mại hướng về sau (H.4a). H.4. Đầu rồng kết hợp hoa lá, Phú Lộc, TTH, ảnh của HV Chước. H.4a. Đầu rồng, Tp Huế, ảnh của Hà Văn Chước 2.3.2. Tô điểm đồ thờ Gia đình người Việt nói chung và nói riêng mỗi gia đình người Huế, luôn coi trọng và tôn thờ tổ tiên, ông bà từ đời này sang đời khác. Yếu tố đó thể hiện rõ nét trong gian chính diện của nhà rường cột từ 1 gian hoặc 3 đến 5 gian. Ở đây, nội thất của những đồ thờ tế tự làm nổi bật và thu hút lực thị giác của chúng ta. Trang thờ, bàn thờ và hương án (H.5) là những nội thất không thể thiếu trong việc thờ cúng tổ tiên, ngoài chức năng để bài vị, bát nhang, ảnh thờ uy nghi và trang trọng…., chúng còn có chức năng tô điểm những họa tiết hoa lá, quả cành và long phụng hóa đã được khắc chạm lộng trong các ô hộc, đường diềm, sơn son thếp vàng hoặc chạm cẩn xà cừ trang nghiêm nội thất thờ cúng. Tủ thờ gia tiên là điểm nhấn của gian thờ chính, họa tiết trang trí có thể chạm khắc nổi sơn thếp hoặc khắc chìm để cẩn xà cừ. Chủ đạo tủ thờ (hương án) được người thợ trang trí hoa lá, bát bửu, phụng hóa trong các ô hộc và đường diềm điểm xuyết họa tiết hoa lá chủ đạo và đơn giản. H.5. Trang thờ tại Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, phường Gia hội, Huế, ảnh tác giả 2021 Hoành phi, câu đối có chức năng trang trí gian chính, tạo sự cân xứng giữa các chữ đại tự và thư văn ở hoành phi, như hoành phi tại tư gia của Phan Thuận An, có lối nhà 3 gian 2 chái có dòng chữ “Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn” và nội dung các câu đối được treo hai hàng cột trong, giữa và ngoài rất trang nghiêm của nơi thờ cúng. Chúng còn mang ý nghĩa ca tụng công đức của tổ tiên hoặc ca ngợi về sự kính trọng của con cháu đối với dòng họ của mình. Mặc khác, chúng còn có giá trị nghệ thuật sâu sắc bởi các đường diềm hoa lá kết hợp các đường kỷ hà, lập đi, lập lại xung quanh câu đối hoặc chỉ một phần có kết hợp chùm tua được nghệ nhân khắc chữ sắc xảo và sơn then (đen) thếp vàng hoặc sơn son (đỏ) thếp vàng [H.6]. H.6. Hoành phi, câu đối tại Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, phường Gia Hội, Huế, ảnh tác giả 2015 Ứng với hoành phi trang nghiêm nơi thờ cúng gia tiên, hoàng phi [H.7] treo đối diện thể hiện sự tôn kính và tô điểm nội thất gian chính. Nghệ thuật chạm khắc hoành phi điêu luyện thể hiện rõ nét những chuỗi hoa lá bao bọc xung quanh. Cuốn thư thanh kiếm, cây bút của hoành phi tượng trưng nho giáo và liêm khiết. Ở đây, cho chúng ta nhận biết được hoành phi của các vua thời Nguyễn khác với các quan văn võ về những họa tiết trang trí. Hoành phi các vua có họa tiết con rồng chầu mặt nguyệt, còn nhà quan hoa cúc ở chính giữa và đăng đối hoa lá uốn lượn, chúng có điểm chung ở giữa ghi chữ đại tự. H.7.Hoành phi Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, phường Gia Hội, Huế, ảnh tác giả 2021 Bàn nhỏ, bàn lớn để thờ cúng có lối chạm khắc đơn giản, thân bàn và chân bàn thống nhất thể loại trang trí vân mây kết hợp lá được cách điệu, cùng với đường diềm tạo thành các đường cong uyển chuyển, mềm mại và tua duyên dáng [H.8]. H.8. Bàn nhỏ, Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, phường Gia Hội, Huế, ảnh tác giả 2021 2.3.3. Tô điểm đồ gia dụng Các sản phẩm đồ gia dụng trong gia đình vừa đóng vai trò tiện ích, đồng thời cũng là một nghệ thuật trang trí trong nhà, nhất là nhà rường Huế vốn dĩ bản chất của nó được xây cất hoàn toàn bằng chất liệu gỗ, nếu như các đồ dùng sinh hoạt để trơn không tô điểm họa tiết như các hàng cột thì giá trị thẩm mỹ của nó không đáp ứng nhu cầu, nội thất không gian nhà đơn điệu, nhàm chán. Chính vì vậy, thể loại Tủ đứng tủ ngang là vật dụng để đồ đạc trong mỗi gia đình cần có yếu tố trang trí kiểu thức như tủ đựng sách, tủ đựng đồ vật dụng khác… Tất cả chúng được gia chủ và người thợ mộc, thợ chạm truyền tải những thông điệp như hoa lá, quả cành, chim thú lên các ô hộc, đường diềm hết sức duyên dáng và sinh động, ví dụ như tủ nhỏ (thường gọi là tủ chè) (H.9), ô giữa của tủ được chạm lộng họa tiết dây leo, lá và trái nho, cạnh dưới tủ có đường diềm dây leo được cách điệu, bên tả cánh cửa có chạm phù điêu đắp nổi chiếc gậy, bầu rượu với trái cây lựu, bên hữu tập sách, bút với hoa lá. Chúng có lối bố cục dạng đăng đối tuyệt đối với đường diềm, còn đăng đối tương đối với 2 ô hộc, 2 vật dụng và hoa lá có khác nhau qua đường trục của tủ chè và không sơn quang, không sơn son thếp vàng. H.9. Tủ nhỏ, Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, phường Gia Hội, Huế, ảnh tác giả 2021 Bàn tiếp khách, hay bàn ăn được trang trí những họa tiết trong nội thất nhà rường Huế là minh chứng sống có giá trị về mặt mô tả cái chất riêng tư của nó, làm cho mỗi loài động thực vật có chiều hướng đa dạng hóa các loại hình trang trí và tạo nên nét riêng của mỗi gia đình (các quan đến dân bình thường). Từ kiểu dáng cho đến các họa tiết trang trí thể hiện đặc tính riêng cho mỗi loại bàn hoặc ghế. Đối với bàn tròn (H.10) có cấu trúc được chia thành 3 phần, phần mặt bàn, thân bàn và chân bàn. Qua quan sát thân bàn có kiểu dáng khá lạ, phần tiếp giáp mặt dưới bàn có 4 trụ đỡ mặt bàn, phần giữa gần tiếp giáp chân bàn có hình khối cầu được chạm trổ tinh vi họa tiết 3 con dơi hướng vào nhau, có 3 hình tròn khắc chữ hỷ lệch so với 3 đầu rồng hóa lân ở chân bàn, chân rồng 4 móng với lối tạo hình cầu kỳ, chắc khỏe làm chân trụ đỡ toàn bộ thân và mặt bàn tròn vững chãi. H.10. Bàn ghế, Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, ảnh tác giả 2021 H.11. Gương trang điểm, Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, Gia Hội, Huế, ảnh tác giả 2021 Trong sinh hoạt, chiếc gương có công dụng phản chiếu hình thể con người, để soi bóng hay trang điểm trước lúc ra khỏi nhà. Mặc khác, kiểu thức trang trí tô điểm chiếc gương tại Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn được chạm khắc đơn giản về họa tiết và thuần túy sơn then. Song phụng được nghệ nhân chạm lộng, đăng đối quả cầu âm dương, xung quanh các tia lửa cho chúng ta cảm nhận như sưởi ấm. Tạo hình đầu, thân, cánh và đuôi phụng uyển chuyển, thướt tha như các giải tơ lụa bay trước gió cùng với các giải vân mây mềm mại hòa nhịp trên đầu gương, giữa là tấm gương phản chiếu để trang điểm, mặt đế gương được chạm hoa văn lá, dây leo hóa rồng đăng đối chữ đại tự (H.11). 3. KẾT LUẬN Nhà rường trong dân gian thường gọi là nhà rường Huế có chức năng sinh hoạt của con người. Ngoài ra nét đẹp của các gian nhà được thể hiện trong kiến trúc gỗ thuần túy, kết hợp những kiểu thức trang trí tô điểm trong nội thất. Các đề tài còn có ý nghĩa nhân văn của các tầng lớp lao động, họ tiếp nhận các kiểu thức trang trí với các hình tượng hoa lá, qủa cành, chim thú, bát bửu và tứ linh ở góc độ tích cực và phù hợp với cảnh quan, không gian nhà vườn và gần gủi với cuộc sống tinh thần của người dân. Sự tiếp biến văn hóa nói chung và nghệ thuật nói riêng đã đem lại giá trị thẩm mỹ trong không gian nội thất nhà rường, về kiểu dáng kiến trúc, về kiểu cách của các họa tiết trang trí nên duyên, nên phận của những nhà rường Huế tỉnh Thừa Thiên Huế. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phan Thuận An (2006), Kiến trúc cố đô Huế, Nxb. Đà Nẵng 2. Hà Văn Chước (2013), “Đặc trưng tạo hình tứ linh trong trang trí nhà rường Thừa Thiên Huế”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Huế 3. Nguyễn Phước Bảo Đàn, Tôn Nữ Khánh Trang (2002), Di sản văn hóa nhà rường Huế và vấn đề bảo tồn. 4. Nguyễn Hữu Thông (1994), Huế nghề và làng nghề thủ công truyền thống, Nxb. Thuận Hóa, Huế 5. Chu Quang Trứ (2000), Văn hóa Mỹ thuật Huế, Nxb. Mỹ thuật
Thuộc đề tài: 0